Polysacarit ly trích từ rong biển giúp kích thích hệ thống miễn dịch và tốc độ tăng trưởng trên cá trắm cỏ.
Cá trắm cỏ (Ctenopharyngodon idella) là loài cá nước ngọt đặc sản được nuôi phổ biến ở các tỉnh phía Bắc nước ta. Cá trắm cỏ là loài cá dễ nuôi, dễ thích ứng rộng với môi trường và có kích thước lớn nên là đối tượng nuôi chính trong các ao hồ, ruộng lúa. Tuy nhiên, trong quá trình nuôi cá trắm cỏ cũng gặp một số bệnh như: Bệnh xuất huyết do virus, bệnh nấm thủy mi, bệnh do ký sinh trùng, rận cá, thối mang và bệnh đốm đỏ do vi khuẩn do Aeromonas gây ra gây thiệt hại đến kinh tế của người nuôi.
Trước tình hình đó người nuôi thường sử dụng hóa chất và kháng sinh trong điều trị bệnh tuy nhiên chúng ảnh hưởng đến môi trường và tồn lưu vào chất lượng thịt cá. Do đó, biện pháp bổ sung chất phụ gia để kích thích miễn dịch là biện pháp thay thế tối ưu, vừa rẻ tiền vừa đảm bảo an toàn sinh học.
Tác dụng của rong biển đối với động vật thủy sản
Rong biển chứa đa dạng các thành phần hoá học rất có giá trị về mặt dinh dưỡng cũng như dược liệu bao gồm: các axít amin, các axít béo nhiều nối đôi, các vitamin và khoáng chất, polyphenol, các hợp chất chứa iốt, fucoidan (β-1,3 glucan), laminarin (β-1,3-1,6 glucan) và alginate là những hợp chất polysaccharide, chúng sở hữu rất nhiều hoạt tính sinh học (kháng u, kháng đông tụ máu, kháng virus, kháng viêm, kháng khuẩn, kháng nấm, chống đông tụ và chống bức xạ UV-B, khả năng làm lành vết thương và tái tạo cấu trúc tế bào.
Nhiều nghiên cứu cho rằng khi bổ sung vào thức ăn cho động vật thủy sản sẽ kích thích miễn dịch, tạo ra kháng thể, gia tăng các tế bào diệt tự nhiên, tăng hoạt tính lysozyme giúp động vật thủy sản kháng lại mầm bệnh, kích thích tăng trưởng và giúp tăng tỉ lệ sống.
Do đó, các nhà khoa học đã nghiên cứu tác động của polysacarit ly trích từ rong biển (Porphyra Yezoensis) trong chế độ ăn uống đối với hiệu suất tăng trưởng và khả năng miễn dịch không đặc hiệu của cá trắm cỏ (Ctenopharyngodon idella).
Bổ sung polysacarit từ rong biển vào khẩu phần ăn cá trắm cỏ
Thí nghiệm được tiến hành bao gồm 4 nghiệm thức bổ sung polysacarit (PP) với các nồng độ (0, 1, 3 và 5 g/kg) trong vòng 60 ngày và theo dõi hiệu suất tăng trưởng , tỷ lệ sống, hoạt động của enzyme tiêu hóa ở ruột, hoạt tính superoxide effutase (SOD), hoạt tính catalase (CAT), glutathione peroxidase (GPx), protein tổng số huyết thanh, lysozyme, phosphatase kiềm. Sau đó cá được cảm nhiễm với vi khuẩn Aeromonas hydrophila và theo dõi tỉ lệ sống và khả năng miễn dịch.
Sau 60 ngày cho ăn, chế độ ăn uống bổ sung một liều polysacarit thích hợp làm tăng đáng kể hiệu suất tăng trưởng, tỷ lệ sống, hoạt động của enzyme tiêu hóa ở ruột, hoạt động SOD, hoạt động CAT, hoạt động GPx, lysozyme huyết thanh, phosphatase kiềm.
Tất cả các nghiệm thức bổ sung polysacarit đều có tốc độ tăng trưởng cao hơn đối chứng và cao nhất ở nghiệm thức 3g/kg thức ăn tuy nhiên không có khác biệt so với nghiệm thức 5 g/kg thức ăn. Ngoài ra, enzyme tiêu hóa ở ruột của nghiệm thức 3g/kg thức ăn cho thấy hoạt động mạnh hơn so với các nghiệm thức khác do đó, cá ở nghiệm thức này sẻ tiêu hóa thức ăn nhanh hơn và tiêu thụ được lượng thức ăn nhiều hơn các nghiệm thức khác từ đó kích thích tăng trưởng.
Cá được bổ sung 3-5 g/kg thức ăn có hoạt động chống oxy hóa cao hơn so với các nghiệm thức còn lại. Tương ứng, hoạt tính hoạt tính superoxide effutase (SOD), hoạt tính catalase (CAT), glutathione peroxidase (GPx), protein tổng số huyết thanh, lysozyme, phosphatase kiềm đều tăng ở các nghiệm thức bổ sung polysacarit và cao nhất ở nghiệm thức 3g/kg thức ăn.
Kết quả từ nghiên cứu cho thấy khi bổ sung polysacarit từ rong biển giúp kích thích hệ thống miễn dịch của cá và giúp cá đề kháng với mầm bệnh do vi khuẩn Aeromonas hydrophila gây ra. Cá bổ sung polysacarit với nồng độ 3g/kg thức ăn có tỉ lệ sống cao nhất và thấp nhất là nghiệm thức đối chứng.
Để phòng ngừa dịch bệnh xảy ra trên cá trắm cỏ, bà con nên sử dụng polysacarit với liều lượng 3g/kg thức ăn trong vòng 2 tháng kích thích tăng trưởng và hệ thống miễn dịch của cá giúp cá đề kháng lại mầm bệnh, liệu pháp này vừa rẻ tiền, an toàn sinh học và hạn chế dùng hóa chất, kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản.