Người nuôi tôm trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu đang truyền nhau phương pháp dân gian sử dụng các loại cây thuốc nam cho tôm ăn để ngăn ngừa các bệnh về gan tụy, đường ruột… mang lại hiệu quả tích cực, sản lượng tăng lên rõ rệt.
Ông Bùi Luận ở xóm 9, xã Quỳnh Thanh là một trong những hộ nuôi tôm trong vùng duy trì tốt việc dùng các loại cây thuốc nam phòng bệnh cho tôm. Ông Luận cho biết, trước đây tôm nuôi của gia đình hay mắc bệnh đi ngoài, gan tụy. Đây là bệnh nguy hiểm, dễ thất thoát lớn về con giống. Cứ mỗi lần tôm bị bệnh, ông đều sử dụng thuốc tây, hay thuốc nam cô đặc đã đóng thành từng hộp sẵn của các công ty trong nước sản xuất. Mỗi lần như vậy chi phí từ 5 – 10 triệu đồng nhưng cũng không mang lại hiệu quả…
Vì thế, 3 năm nay ông Luận tìm mua các loại cây như cà gai leo, nhân trần, cây chó đẻ… về sắc cô đặc trộn với thức ăn cho tôm ăn thường xuyên. Cách làm này ông chỉ bỏ ra chưa đến 1 triệu đồng/ vụ, nhưng phòng bệnh rất tốt. Từ khi áp dụng đến nay, mỗi vụ nuôi trên diện tích 2ha của gia đình ông Luận luôn thành công, đạt sản lượng 13 tấn/ha.
Đối với anh Ngô Thắng ở xã Quỳnh Lương thì ngoài cây nhân trần, cà gai leo còn sử dụng thêm cây điền điển, cỏ vườn trầu. Cây được phơi khô, đập bột rồi hòa vào nước sôi, lọc lấy nước trộn vào khẩu phần ăn hàng ngày để thay thế các loại thuốc kháng sinh.
Anh Thắng chia sẻ: Giá thức ăn, thuốc thú y thủy sản ngày một tăng nên chi phí nuôi tôm rất cao. Hơn nữa, khi dùng quá nhiều các loại hóa chất sẽ dẫn đến tình trạng nguồn nước, đáy ao bị ô nhiễm, tôm nuôi dễ phát sinh dịch bệnh dẫn đến tôm chết sớm gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế. Từ khó khăn đó, tôi đã tìm đến cây thuốc nam để phòng ngừa, điều trị một số bệnh thông thường cho tôm…
Sử dụng các loại thảo dược này quanh năm, anh đã giảm được rất nhiều chi phí trong quá trình thả nuôi. Đặc biệt, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, giúp người tiêu dùng yên tâm sử dụng.
Cây thuốc nam được người dân Quỳnh Lưu trồng nhiều trên vườn nhà. Ảnh: Hồng Diện
Ở xã An Hòa, bà con cũng sử dụng thảo dược để phòng bệnh gan sưng, to gan, đường ruột yếu cho tôm. Toàn xã hiện có 40 ha, với 80 hộ nuôi tôm thì có trên 70% áp dụng phương pháp này.
Kể từ khi dùng các loại cây thuốc nam, tại xã An Hòa hạn chế xảy ra dịch bệnh trên tôm nuôi; mỗi năm cung cấp ra thị trường từ 800 – 1.000 tấn tôm, thu về hàng chục tỷ đồng.
Sử dụng cây thuốc nam trong nuôi tôm vừa giúp tăng năng suất, vừa tạo ra nguồn thực phẩm sạch. Ảnh: Hồng Diện
Theo bà con, khi tôm được 1 tháng tuổi, định kỳ 5 ngày một lần, hộ nuôi đều trộn thảo dược cho tôm ăn, nếu hộ nào cho ăn hàng ngày thì pha loãng với liều lượng nhẹ hơn. Nhờ đó, kiểm soát bệnh cho tôm rất tốt, giúp giảm được chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận; nhất là hạn chế được việc lạm dụng hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản.
Thời tiết nắng nóng rất dễ bùng phát dịch bệnh ở những diện tích nuôi tôm, làm ảnh hưởng lớn đến năng suất cuối vụ. Vì thế, hiện các địa phương có diện tích nuôi tôm trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để 100% hộ nuôi sử dụng cây thuốc nam trong nuôi tôm. Qua đó, nhằm hướng tới môi trường nuôi an toàn, tạo ra nguồn thực phẩm sạch, trở thành địa chỉ tin cậy cho người tiêu dùng khi mua tôm Quỳnh Lưu.