Kon Tum khai thác lợi thế để nuôi cá lồng bè


Bè cá lồng của gia đình anh Võ Đình Sơn.

Phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, trong đó phải kể đến việc phát triển hình thức nuôi cá lồng bè là một trong những giải pháp tích cực, tận dụng mặt nước tự nhiên sẵn có (sông, suối, hồ chứa thủy lợi…) được ngành Nông nghiệp và các địa phương chú trọng hướng dẫn, khuyến khích để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững. Từ đó, mở ra hướng phát triển kinh tế hiệu quả, góp phần giảm nghèo, nâng cao thu nhập người dân.

Trước đây, cuộc sống người dân sống ở vùng lòng hồ Thủy điện Ya Ly (xã Ya Ly, huyện Sa Thầy) chủ yếu dựa vào việc khai thác và đánh bắt thủy sản trong tự nhiên. Việc khai thác đánh bắt này cho thu nhập bấp bênh, vì  nguồn lợi thủy sản trong tự nhiên ngày càng cạn kiệt do việc khai thác quá mức, thậm chí khai thác theo kiểu hủy diệt (như dùng xung điện, chất nổ…). Vì thế, 2 năm trở lại đây, với sự hỗ trợ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sa Thầy, một số hộ dân mạnh dạn chuyển hướng sang nuôi cá lồng bè và bước đầu đem lại thành công.

Chị Tạ Thị Diệu – Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sa Thầy cho biết: Để khai thác hiệu quả lợi thế về mặt nước của các hồ thủy điện trên địa bàn và hạn chế việc khai thác quá mức nguồn lợi thủy sản trong tự nhiên, nhưng vẫn đảm bảo thu nhập ổn định cho người dân, huyện Sa Thầy có chủ trương hỗ trợ, hướng dẫn người dân chuyển từ đánh bắt sang nuôi cá lồng bè theo hướng liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ, chế biến sản phẩm. Từ năm 2018, huyện triển khai thí điểm mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Ya Ly với 6 hộ dân trên địa bàn xã Ya Ly tham gia, tổng số lồng nuôi là 30 lồng. Bước đầu, việc nuôi cá lồng bè đem lại hiệu quả kinh tế cho các hộ tham gia, giúp cải thiện thu nhập cho người nuôi nên người dân rất yên tâm gắn bó với nghề mới này.

Ông Võ Đình Sơn- một trong những hộ đi tiên phong trong việc nuôi cá lồng chia sẻ: Ban đầu gia đình tôi còn e ngại, băn khoăn, bởi đây là mô hình kinh tế khá mới mẻ, chưa biết hiệu quả kinh tế ra sao. Thế nhưng, được sự hỗ trợ về con giống, một phần chi phí thức ăn và các cán bộ của Phòng NN&PTNT hướng dẫn nhiệt tình về kỹ thuật nên tôi tự tin khi bắt tay vào thực hiện. Bên cạnh đó, nhờ tận dụng được nguồn thức ăn cho cá nuôi là một số loại cá ít giá trị được đánh bắt tại lòng hồ nên chi phí nuôi cá giảm đáng kể. Lứa cá đầu tiên, tôi nuôi 5 lồng, dù hiệu quả chưa được như ý, nhưng tôi vẫn thu lãi 15 triệu đồng/lồng. Năm 2020, gia đình tôi quyết định đầu tư thêm 4 lồng, nâng số lồng nuôi hiện tại lên 9 lồng. Mặc dù còn 3 tháng mới thu hoạch, nhưng nhìn chung rất khả quan, đến nay đàn cá của gia đình nuôi phát triển khỏe mạnh, tỷ lệ hao hụt thấp. Nếu thuận buồm xuôi gió, sản lượng cá khi xuất bán có thể đạt từ 16 – 17 tấn, sau khi trừ tất cả chi phí chắc chắn gia đình tôi thu được khoảng 200  triệu đồng.

Nuôi cá lồng đang là hướng đi được nhiều hộ dân lựa chọn . Ảnh: T.H

Là địa phương có diện tích mặt nước lòng hồ thủy điện, thủy lợi lớn rất thuận lợi cho việc phát triển nuôi trồng thủy sản nên những năm qua, ngoài việc nuôi cá nước ngọt ở các ao hồ, người dân trên địa bàn huyện Đăk Hà còn đẩy mạnh phát triển nuôi cá lồng bè. Và, việc nuôi cá lồng bè đã trở thành một nghề giúp tạo ra nhiều việc làm và mang lại thu nhập ổn định cho một số hộ dân trên địa bàn. Các loại cá được thả nuôi chủ yếu là diêu hồng, rô phi, cá lóc… nhu cầu tiêu dùng lớn và thị trường tiêu thụ rộng nên lượng cá nuôi đều được các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thu mua hết giúp người dân yên tâm thả nuôi.

Theo tính toán của các hộ nuôi cá lồng trên địa bàn huyện Đăk Hà, năng suất mỗi lồng khi xuất bán đạt từ 1,5- 2 tấn cá với mức giá bán từ 40.000 – 45.000đ/kg, trừ các khoản đầu tư, người dân vẫn thu lời từ 20 – 22 triệu đồng/lồng, qua đó, giúp người nuôi cá có thu nhập khá.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, diện tích nuôi trồng thủy sản ao hồ nhỏ trên địa bàn toàn tỉnh đạt 710 ha và diện tích nuôi mặt nước lớn trên các lòng hồ thủy điện, thủy lợi ước đạt 557 ha. Tổng số lượng lồng nuôi thủy sản toàn tỉnh là 243 lồng; trong đó, huyện Đăk Hà có 108 lồng, Sa Thầy có 30 lồng, thành phố Kon Tum có 15 lồng, huyện Ia H’Drai có 73 lồng, huyện Đăk Tô có 8 lồng, huyện Kon Plông có 7 lồng và huyện Đăk Glei có 4 lồng. Các loài thủy sản được nuôi chủ yếu là cá rô phi, cá diêu hồng, cá thác lác cườm và hiện nay một số hộ đang đưa vào thử nghiệm nuôi tôm càng xanh trên địa bàn huyện Đăk Hà. Hầu hết, các hộ nuôi cá lồng bè đều có liên kết với các doanh nghiệp, đơn vị thu mua, bao tiêu sản phẩm nên không lo lắng về mặt đầu ra.

Để giúp người dân nắm được những kiến thức nuôi trồng thủy sản, ngành Nông nghiệp thường xuyên mở các đợt tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho thủy sản, cách lựa chọn các loại thức ăn phù hợp. Đồng thời, hướng dẫn các hộ gia đình nuôi cá lồng vệ sinh lồng cá sạch sẽ, từ 1 – 2 tháng vệ sinh lồng cá một lần để tránh tình trạng ô nhiễm môi trường nước, giúp cá sinh trưởng và phát triển.

Với nhiều công trình thủy điện, thủy lợi có diện tích hồ lớn là điều kiện thuận lợi để người dân sống ven các lòng hồ phát triển nghề nuôi trồng thủy sản. Đây chính là hướng đi triển vọng để đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp và cải thiện thu nhập cho người dân nông thôn.

Thiên Hương Báo Kon Tum